Bài báo này được đăng trên Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần. Nếu có comments gì, mọi người để lại đây và mình sẽ trả lời
NGÀY 25/3/20, HỘI THẢO VỚI TIÊU ĐỀ “ GOOGLE – TRẢI NGHIỆM MỚI CÙNG DU LỊCH VIỆT” SẼ ĐƯỢC TỔ CHỨC TẠI TP. HỒ CHÍ MINH NHẰM KHƠI NGUỒN CẢM HỨNG CHO NGÀNH DU LỊCH. NHÂN DỊP NÀY, GIÁM ĐÔC ĐIỀU HÀNH CÔNG TY IDM – ÔNG CHANDLER NGUYỄN – ĐÃ CÓ CUỘC TRAO ĐỔI VỚI DNSGCT
Ông có thể cho biết, áp dụng QCTT vào ngành du lịch đang là một hướng đi mới mẻ tại Việt Nam. Ông có thể chia sẻ đôi điều về việc này bên lề hội thảo sắp diễn ra?
Theo thống kê thì hiện nay, du lịch đang là một trong những lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức 2 con số mỗi năm. Thú vị là thống kê từ công cụ tìm kiếm của Google, chúng tôi nhận thấy 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Mỗi tháng có hơn 8 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch như tour du lịch trong và ngoài nước, khách sạn, các loại hình du lịch… Vào những tháng cao điểm, con số có thể lên đến 12 triệu lượt. Những con số này cho thấy thị trường và nhu cầu tìm hiểu thông tin về ngành du lịch qua internet tại Việt Nam là rất lớn.
Trên thế giới, hầu hết các khách sạn, công ty du lịch đều dùng quảng cáo trực tuyến để nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngay cả các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hãng hàng không có vốn nước ngoài tại Việt Nam cũng triển khai mạnh hình thức này để tiếp cận khách hàng của chúng ta ngay tại thị trường Việt Nam. Vì thế, công ty IDM quyết định đồng tổ chức buổi hội thảo cùng Google để mang đến giải pháp hữu ích cho các doanh nghiệp làm du lịch tại Việt Nam, giúp họ có cách tiếp cận hiệu quả, mang lại lợi nhuận lớn hơn trong kinh doanh.
Theo ông, cách thức về quảng bá du lịch trực tuyến sẽ có điểm gì đặc thù hơn so với các ngành khác?
Mỗi ngành đều có đối tượng khách hàng khác nhau, vì thế, cách tiếp cận sẽ mang những đặc thù riêng. Chẳng hạn với du lịch, đối tượng khách hàng đa phần là người trẻ, giới văn phòng các gia đình và du khách nước ngoài. Công ty IDM sẽ cung cấp cho các DN du lịch các số liệu thống kê trực tuyến về người dùng Việt Nam, du khách nước ngoài cũng như thói quen của họ. Từ đó, doanh nghiệp lựa chọn cách thức, kinh phí và cho ra giải pháp đó là mộtchiến dịch quảng cáo trực tuyến hiệu quả nhất.
Là người điều hành một đơn vị giàu kinh nghiệm trong ngành quảng cáo trực tuyến, ông nhận định gì về mức độ hiệu quả của quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam?
So với các loại hình quảng cáo khác, ưu điểm đầu tiên của quảng cáo trực tuyến là nhắm đúng khách hàng mục tiêu. Cùng một thông điệp quảng cáo nhưng nhờ khả năng cá nhân hóa cao, chúng ta có thể linh hoạt thay đổi thiết kế, nội dung tùy vào đối tượng người xem như : lứa tuổi, giới tính…
Đồng thời, quảng cáo trực tuyến cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí so với quảng cáo truyền thống khi cùng tiếp cận một đối tượng khách hàng.
Hình thức này còn có khả năng đo lường hiệu ứng từ quảng cáo chính xác hơn các phương thức truyền thống với chi phí rất khiêm tốn. Với một mẫu quảng cáo online doanh nghiệp có thể thống kê được gần đúng lượng khách hàng tiềm năng đã xem thông điệp và truy cập vào website để xem thêm thông tin. Nếu dùng quảng cáo truyền thống, con số này chỉ là ước lệ với sai số lớn.
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy tiềm năng của ngành quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Trong đó, không thể không nhắc tới 1/4 dân số Việt Nam đang sử dụng internet, tương đương 27 triệu người (theo số liệu tháng 12/2010 từ VNNIC). Hiện nay theo Cimigo, trung bình một ngày người sử dụng internet tại Việt Nam dành hơn hai giờ cho Internet, riêng giới nhân viên văn phòng có thể lên đến tám giờ/ngày. quảng cáo trực tuyến đang trở thành xu hướng “marketing thông minh” được các doanh nghiệp lựa chọn trong thời gian tới.
Số lượng người dùng internet dù lớn chủ yếu là người trẻ và tập trung tại thành thị. Ông nhận định thế nào về điều này?
Thực chất, chỉ riêng con số 27 triệu người đã là một thị trường lớn chứ không hề hẹp. Độ tuổi trung bình của người sử dụng internet cũng đã bắt đầu già đi, vào khoảng 29-30 tuổi. Đây là nhóm tuổi đã có những tích lũy ban đầu, khả năng chi tiêu cũng thoải mái hơn và là đối tượng của rất nhiều các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ ngân hàng, sản phẩm tài chính, điện máy, du lịch…
Từ đầu năm 2010, những người làm marketing, đặc biệt là những người hoạch định chiến lược marketing tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam buộc phải chi một khoản ngân sách không nhỏ cho quảng cáo trực tuyến do chỉ thị từ vùng/tập đoàn. Điều này sẽ tạo một lực cầu tương đối lớn để các đối tác tại Việt Nam phát triển kênh cung cấp.
Tuy nhiên, quảng cáo trực tuyến không phải là kênh duy nhất mà doanh nghiệp có thể dùng. Đây chỉ mà một phần trong bức tranh tổng thể của công việc quảng cáo nói chung. Tùy vào định hướng phát triển, doanh nghiệp sẽ có cách ứng biến linh hoạt giữa các loại hình quảng cáo để tạo hiệu ứng tốt nhất.
Dù quảng cáo trực tuyến được nói đến nhiều tại Việt Nam thời gian qua nhưng theo thống kê của TNS thì đến cuối năm 2010, quảng cáo trực tuyến chỉ đóng góp khoảng 2-3% trên tổng ngân sách dành cho quảng cáo (400-500 tỉ đồng so với hơn 16.800 tỉ đồng từ quảng cáo nói chung). Ông lý giải thế nào về con số khiêm tốn trên?
Theo tôi, khó khăn đầu tiên nằm ở việc internet vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, chỉ phổ biến hơn 10 năm nay. Vì thế, lực lượng nhân sự am hiểu về ngành trực tuyến vẫn còn hạn chế, chưa có tài liệu hoặc trường học nào đào tạo chuyên sâu về ngành này. Khi chưa có đội ngũ nhân sự tốt, những đơn vị làm quảng cáo trực tuyến hay đối tác đều gặp khó khăn trong việc thực hiện và quản trị. Điều này cũng khiến quảng cáo trực tuyến không mang lại hiệu quả tốt nhất. Mặt khác, internet thay đổi rất nhanh nên cập nhật xu hướng mới cũng không dễ dàng, khâu quản lý, quy chuẩn, hướng dẫn thực hiện dành cho ngành này vẫn còn loay hoay. Việc này muốn cải thiện cần có một thời gian để đào tạo và thay đổi.
Quảng cáo trực tuyến của Việt Nam trong khoảng 4-5 năm trở lại đây chủ yếu diễn ra với hình thức quảng cáo banner, đặc biệt là những banner tĩnh, flash banner và email marketing. Trong khoảng 1-2 năm trở lại đây, nhiều hình thức quảng cáo khác đã bắt đầu được quan tâm như quảng cáo trên công cụ tìm kiếm (pay per click) Google, tối ưu cho công cụ tìm kiếm (SEO), Mobile marketing, mạng xã hội… Hình thức banner cũng được sáng tạo mới liên tục để tương tác nhiều hơn với người dùng. Tôi tin rằng với sự phát triển như vũ bão của internet, quảng cáo trực tuyến sẽ tăng thị phần vô cùng nhanh chóng.
Được biết IDM là một trong những đại lý ủy nhiệm của Google tại Việt Nam. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm về lĩnh vực trực tuyến khi làm việc với một đối tác có độ bao phủ rộng lớn như Google?
Tôi từng làm việc với Google từ khi còn công tác tại Singapore, ngoài ra còn hợp tác với nhiều nhà cung cấp toàn cầu lớn như Yahoo, Baidu… Mỗi đơn vị đều có những chuẩn mực bất di bất dịch mà những người hợp tác cần lưu ý.
Ví dụ, điều quan trọng nhất khi hợp tác cùng Google về lĩnh vực quảng cáo là phải chú trọng đến trải nghiệm của người dùng. Với Google, người truy cập chỉ thấy một trang thông tin giản tiện và nhanh chóng, không quảng cáo tràn lan. Đây là kim chỉ nam để Google thu hút được lượng truy cập đông đảo như hiện nay. Nắm bắt được những quy chuẩn riêng ấy, sẽ là một lợi thế cho doanh nghiệp trong quá trình hợp tác và thực hiện quảng cáo online.
Ngoài ra người dùng internet hiện nay rất thông minh. Ít người lên internet với mục đích để… xem quảng cáo. Vì vậy, nếu cố tình quảng cáo tràn lan hay hình thức quảng cáo không mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng thì đó là sự lãng phí
Xin cảm ơn ông!
Theo anh thì những trang web quảng bá du lịch như là tripadvisor.com lonlyplanet.com và citypassguide.com có tác dụng tích cực cho thành công của quảng cáo du lịch trực tuyến không?